Đo huyết áp thường xuyên là một trong những cách giúp mọi người có thể phát hiện sớm bệnh huyết áp. Tuy nhiên để biết chính xác thời gian qua bạn đã làm đúng hay chưa, mời bạn tham khảo thêm về bài viết cách đo huyết áp chuẩn y khoa dưới đây.
Không phải cứ cầm máy lên, đeo bao quấn tay vào là có thể đo được một cách chính xác chỉ số huyết áp của cơ thể, mà cần phải có một tiêu chuẩn về y học để xác định con số hiển thị là đúng hay sai. Như vậy, cách đo huyết áp đúng cách là làm như thế nào? Cùng tham khảo ngay nhé.
Làm gì để có cách đo huyết áp đúng?
Đo huyết áp là gì?
Đo huyết áp là một trong những phương pháp thăm khám thủ công để kiểm tra lượng huyết áp tăng hay giảm của con người trong một thời gian nhất định, nhằm đánh giá chỉ số huyết áp của cơ thể, hỗ trợ cho quá trình khám và điều trị bệnh.
Đo huyết áp được thực hiện dựa trên nguyên lý bơm căng một băng tay bằng cao su để làm mất mạch đập của một động mạch rồi sau đó xả hơi dần dần, giúp quan sát và ghi lại những phản ứng của động mạch, lấy đó làm cơ sở cho việc chẩn đoán bệnh tật.
Kết quả đo huyết áp bao gồm 2 chỉ số quan trọng là:
- Chỉ số huyết áp tâm thu: Được xác định ở thời điểm máu bắt đầu đi qua lòng mạch khi sức ép ở băng cao su bắt đầu giảm.
- Chỉ số huyết áp tâm trương: Tương ứng với thời điểm máu hoàn toàn được tự do lưu thông trong lòng động mạch khi không còn sức ép từ băng cao su lên động mạch đó.
Đo huyết áp là cách phát hiện bệnh lý sớm
Tại sao phải đo huyết áp?
Hiện nay, tỷ lệ người mắc những bệnh lý liên quan đến huyết áp vô cùng phổ biến, trong đó huyết áp cao hầu như chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn. Vì vậy, đo huyết áp để kiểm tra tình trạng chỉ số huyết áp thường xuyên là việc làm vô cùng quan trọng mà bất cứ ai, bất kì đối tượng nào cũng nên làm. Việc kiểm tra này giúp con người có thể phát hiện kịp thời về bệnh lý, đồng thời kiểm tra tình trạng sức khỏe mỗi ngày để nhanh chóng xử lý được những phát sinh không tốt của cơ thể.
Cách đo huyết áp thế nào chuẩn y học?
Tư thế chuẩn
Để có cách đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, bệnh nhân phải chọn tư thế ngồi thỏa mái, trước đó nên thư giãn 05 phút.
Không đo huyết áp ngay sau khi chạy nhanh, leo cầu thang, vừa mới ăn no, quá đói, quá mệt…, vì huyết áp khi đó sẽ cao hoặc thấp hơn con số bình thường.
Vị trí đo đúng
Với máy đo huyết áp điện tử, có thể đo huyết áp ở bắp tay hay cổ tay miễn là điểm cảm ứng trong băng quấn tay (sensor) phải nằm ngang mực tim. Cụ thể:
- Nếu đo ở bắp tay: Có thể đặt cánh tay nằm ngửa trên mặt bàn với điểm cảm ứng nằm trên nếp khuỷu tay khoảng 02 cm.
- Nếu đo ở cổ tay: Gập cánh tay một góc khoảng 45 độ để cổ tay ngang với trái tim.
Thao tác đo chính xác
Sau khi đã xác định tư thế và vị trí đo, bạn đeo bao quấn tay và nhấn nút điều khiển trên máy để bắt đầu quá trình đo. Giữ nguyên tư thế cho đến khi nhận được kết quả trên màn hình hiển thị thì tắt máy.
Lưu ý:
- Khi đo huyết áp cần chú ý không ăn, không uống, không nói trong lúc đo huyết áp vì sẽ khiến sai lệch kết quả.
- Khi đo lần đầu cần đo cả hai tay để sau đó chọn cánh tay với huyết áp có khuynh hướng cao hơn.
- Nên đo huyết áp ngày hai lần, buổi sáng trước khi uống thuốc và buổi chiều sau bữa ăn khoảng 01 giờ.
- Ghi tất cả kết quả với ngày và giờ đo vào sổ để bác sĩ tiện việc đánh giá trong lần tái khám.
Sau khi tiến hành theo đúng các thao tác chuẩn trên, kết quả của máy sẽ hiển thị và được phân loại như sau:
- Huyết áp bình thường: Các chỉ số huyết áp tâm thu dưới 120 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg.
- Huyết áp cao: Khi chỉ số huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHg và huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg.
- Tiền cao huyết áp: Giá trị của các chỉ số huyết áp nằm giữa huyết áp bình thường và cao huyết áp (huyết áp tâm thu từ 120 - 139 mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 80 - 89 mmHg).
- Huyết áp thấp: Được chẩn đoán khi huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg hoặc giảm 25 mmHg so với bình thường.
Tư thế ngồi thẳng giúp con số đo được chính xác hơn
Tin liên quan
Một yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp
Cách đo huyết áp trên đôi khi sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố dẫn đến con số bị lệch. Huyết áp có thể tạm thời thay đổi trong những hoàn cảnh sau đây:
- Khi ta ở trong tâm trạng lo âu căng thẳng thì huyết áp tăng lên đáng kể và sẽ trở lại bình thường sau khi ta thoải mái thư giãn. Vì thế khi đi khám bệnh huyết áp thường hơi cao hơn khi đo ở nhà.
- Nghiên cứu cho hay trong khi đo mà ta nói chuyện với người khác hoặc với nhân viên y tế, huyết áp sẽ tăng lên.
- Nhiệt độ xung quanh quá lạnh, mạch máu co lại cũng làm huyết áp tăng cao, vì vậy nên giữ cho nhiệt độ bình thường khi đo huyết áp.
- Băng huyết áp quá nhỏ so với tay sẽ khiến huyết áp cao hơn mấy chục mmHg, và ngược lại.
- Khi sử dụng băng huyết áp trực tiếp trên da sẽ cho chỉ số chính xác hơn khi tiếp xúc qua một hay nhiều lớp áo. Chú ý nên bỏ vòng vàng, trang sức ra khỏi tay để có được con số chính xác hơn.
- Đo huyết áp sau khi ngồi nghỉ vài phút có thể cho ra chỉ số cao từ 20 – 30 mmHg so với chỉ số ban đầu.
- Hút thuốc trước khi đo cũng làm chỉ số sai lệch, vì chất nicotine trong thuốc lá làm mạch máu co lại và sức ép của máu lên động mạch tăng.
- Tương tự thuốc lá, rượu và cà phê cũng vậy.
- Nên để bàng quang rỗng trước khi đo huyết áp, vì khi bàng quang còn nhiều nước tiểu thì con số sẽ tăng từ 15 – 20 mmHg.
Cần phải đo huyết áp nhiều lần để nhận được kết quả chính xác nhất
Tóm lại, đo huyết áp không khó, tuy nhiên đo không đúng cách sẽ làm chúng ta chủ quan hơn hoặc lo lắng hơn với một con số không đúng với tình trạng sức khỏe mình. Vì vậy, hãy cố gắng lưu giữ thông tin bài viết cách đo huyết áp đúng cách bên trên, và sẵn sàng cho những lần đo kế tiếp không tránh sai sót về bệnh lý.
>> Xem thêm: Chỉ số huyết áp nói lên điều gì về sức khỏe của chúng ta?